Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), Vĩnh Phúc là địa bàn chiến lược có ý nghĩa quan trọng. Vĩnh Phúc được xem là cửa ngõ của miền thượng du tả ngạn sông Hồng, là mặt tiền phía Tây Bắc của đồng bằng Bắc Bộ chiến lược. Trong trường kỳ kháng chiến chống Pháp, Vĩnh Phúc luôn là nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch, là địa phương diễn ra nhiều trận đánh lớn, tiêu biểu của quân và dân ta. Mỗi trận đánh đều mang tính đặc thù riêng và đều có ý nghĩa nhất định với cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của Nhân dân Vĩnh Phúc. Trận đánh Ghềnh Khoan Bộ là một trong rất nhiều trận đánh tiêu biểu của quân và dân Vĩnh Phúc, là chiến thắng của tinh thần anh dũng, ngoan cường, mưu trí, sáng tạo.
Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp tạm thời chiếm được các thành phố lớn và một số thị xã. Chúng từng bước tiến hành hoạt động quân sự bằng các cuộc hành quân, mở rộng phạm vi chiếm đóng, tiêu diệt bộ đội chủ lực Việt Minh. Với ý định chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến của ta ở Việt Bắc, uy hiếp tinh thần kháng chiến của Nhân dân ta để nhanh chóng kết thúc chiến tranh, đặt lại ách thống trị thực dân lên đất nước ta một lần nữa. Để thực hiện được âm mưu này, thực dân Pháp đã mở một cuộc tấn công quy mô lớn có sự tham gia phối hợp của thủy, lục và không quân tấn công Việt Bắc. Lực lượng địch huy động là khoảng 12.000 quân, gồm 5 trung đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 3 đại đội cơ giới (800 xe, 2 phi đội 40 máy bay), 1 thủy đội 40 tàu thuyền, tiến công bằng 2 “gọng kìm” là đường số 4 và sông Lô. Địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (trước năm 1950, Vĩnh Phúc là 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên), Phú Thọ được thực dân Pháp dùng làm bàn đạp để tấn công lên Việt Bắc với điểm tập kết là Việt Trì theo hướng đường sông Lô và đường số 2.
Ngày 11/10/1947, địch bắt đầu tổ chức tấn công: Trên bộ, 3 tiểu đoàn chia nhỏ thành từng toán, tiến đến đâu chúng cướp phá đến đó; trên không, các phi đội khu trục quần đảo, yểm hộ lẫn nhau. Ban đầu lực lượng địch chiếm thế áp đảo, vượt qua nhiều trận địa phục kích của dân quân du kích, phá được nhiều kè, mở luồng ca nô, tàu chiến tiến lên Tuyên Quang. Chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng: Phải phá tan cuộc tiến công mùa đông của kẻ địch, bảo vệ tốt căn cứ kháng chiến. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhanh chóng xây dựng kế hoạch chuẩn bị chiến đấu và phối hợp với quân chủ lực tiến hành lối đánh nghi binh, phục kích nhỏ, xây dựng trận địa trên sông Lô. Với quyết tâm phá tan âm mưu lấy sông Lô làm “gọng kìm”, dọc tuyến sông Lô, ta bố trí trận địa pháo sẵn sàng chờ địch tới.
Tại Bến Khoan Bộ (thuộc xã Phương Khoan, nay là huyện Sông Lô), ta tiến hành khảo sát thực địa, xây dựng kế hoạch bố trí trận địa chờ địch đi qua là sẵn sàng tác chiến. Mưu lược trong bố trí lực lượng, khẩu đội pháo được ta bố trí sát bờ sông, khẩu pháo 25 ly bố trí ỏ phía Nam làng Khoan Bộ, khẩu pháo 75 ly nằm dưới rặng tre ở ngay bên sông. Hai khẩu pháo đặt cách nhau khoảng 100 mét để có thể tập trung bắn vào mục tiêu cự ly 1.000 mét. Một tiẻu đoàn bộ binh và mộttrung đội công binh phối hợp được trang bị pháo chiến đấu. Dân quân du kích địa phương phụ trách công tác nghi binh.
Đúng như dự kiến của quân ta, ngày 23/10/1947, hai chiếc LCT (loại tàu chiến của Pháp) chở binh lính và vũ khí, lương thực ngược dòng sông Lô từ Việt Trì hành quân qua Khoan Bộ. Trên không có sự yểm trợ của một máy bay thám thính và hai chiếc khu trục. Khi tàu địch lọt vào tầm pháo, ta nổ súng bắn ngay. Loạt bắn đầu tiên không trúng mục tiêu. Lập tức máy bay địch lao ngay xuống thả bom bắn trả vào trận địa của ta. Ngay sau đó, quân ta nhanh chóng ổn định, tập trung, các loạt bắn tiếp theo, tàu địch bị trúng đạn, nghiêng lệch đi, quân địch cố chạy dạt sang bờ bên kia để thoát khỏi tầm bắn của ta. Kết quả, ta đã bắn trọng thương hai tàu chiến LCT của địch, phá hỏng kế hoạch tiếp viện của quân địch lên Tuyên Quang.
Trận đánh Ghềnh Khoan Bộ là trận chiến thắng địch tiêu biểu đầu tiên của quân dân Vĩnh Phúc ở phòng tuyến sông Lô, bẻ gãy “gọng kìm” sông Lô, góp phần cùng quân dân Việt Bắc và cả nước đánh bại cuộc tiến công Thu Đông 1947 của thực dân Pháp, bảo vệ an toàn căn cứ địa và cơ quan đầu não kháng chiến. Đây cũng là trận đánh thắng địch đầu tiên của pháo binh ta trên sông Lô. Từ đây, chiến thuật “đặt gần bắn thẳng” ra đời và đã trở thành cách đánh truyền thống của bộ đội pháo binh.