Trường chuyên, lớp chọn luôn là mong ước của nhiều bậc phụ huynh và học sinh. Vì vậy, việc được vào lớp chọn, thi đỗ vào trường trọng điểm, trường chuyên vô hình chung đã tạo áp lực đối với cả phụ huynh và học sinh.
Mấy ngày nay, tôi luôn băn khoăn, nghĩ về việc bạn tôi chuyển trường cho con. Trước đó, bạn tôi đã định hướng cho con thi đỗ vào lớp 6 trường THCS trọng điểm của huyện; tuy nhiên, sau 1 năm học, thấy con không được vào đội tuyển học sinh giỏi (HSG) môn Toán và cũng không được nằm trong lớp chọn; đồng thời cho rằng con không học ở lớp chọn sẽ không được giáo viên quan tâm, nên bạn tôi quyết định chuyển trường cho con.
Giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng nhà trường đã tận tình tư vấn, khuyên bạn tôi không nên thay đổi môi trường học tập mà con đang học tốt và đã quen, hãy để con nuôi dưỡng đam mê học Toán và lấy nền tảng kiến thức môn Toán để tham gia vào đội tuyển HSG khác như Tin học, Vật lý, Sinh học… nhưng không làm thay đổi được quyết định của cô ấy.
Bạn tôi cho biết: “Chỉ khi chuyển trường, con tôi mới được học trong lớp chọn, nằm trong đội tuyển HSG Toán để được thầy, cô giáo quan tâm hơn và có thời gian đi học thêm tại các lò luyện để đạt mục tiêu sau này con phải thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc”.
Đặt mục tiêu con phải thi đỗ vào Trường THCS Vĩnh Yên, sau đó thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, vợ chồng chị N.H.T đã rời ngôi nhà 3 tầng khang trang ở quê để lên thành phố Vĩnh Yên sinh sống ngay khi con vào lớp 1. Suốt 3 năm qua, ngoài thời gian con học ở trường, chị T luôn sắp xếp kín lịch cho con đi học thêm tại nhà các thầy, cô giáo. Về nhà, vợ chồng chị T luân phiên nhau kèm cặp con học. Con chị T vẫn còn nhỏ, thích tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, nên thường tỏ thái độ khó chịu khi bị bố mẹ ép phải học nhiều.
Tình trạng chuộng trường chuyên, lớp chọn như hai trường hợp trên đang khá phổ biến. Nhìn vào các kỳ tuyển sinh đầu cấp mới thấy, trường trọng điểm, trường chuyên “hot” đến mức nào khi phụ huynh đổ xô đi nộp hồ sơ cho con và lượng thí sinh tham gia xét tuyển, thi tuyển ngày càng đông.
Thực tế này xuất phát từ những kỳ vọng của bố mẹ, của học sinh khi được học tập tại những ngôi trường có tiếng. Trường trọng điểm, trường chuyên thường được xem là môi trường giáo dục chất lượng cao, đào tạo học sinh năng khiếu, HSG.
Để vào được trường trọng điểm, trường chuyên, các thí sinh không chỉ đối mặt với “tỷ lệ chọi” cao mà “chất lượng chọi” cũng rất cao, do đó, nhiều em phải “cày ngày, cày đêm”, trải qua các lớp luyện thi chuyên ngay từ đầu cấp học.
Nhiều phụ huynh cho biết, để đỗ trường THCS trọng điểm, con họ phải chăm chỉ học tiếng Anh từ lớp 1 và ôn luyện môn Toán, Tiếng Việt từ lớp 3, dồn lực ở lớp 5; để đỗ vào trường chuyên THPT, các em phải học thêm và luyện thi cả 4 năm THCS, dồn lực trong năm lớp 9.
Việc ôn luyện thi vào trường trọng điểm, trường chuyên không chỉ áp lực với học sinh mà còn khiến phụ huynh phải tốn nhiều tiền bạc và công sức, thời gian đưa đón. Chưa kể đến việc, khi đỗ vào trường trọng điểm, trường chuyên, có không ít học sinh lực học đuối dần trước khối lượng kiến thức nặng nên các em dần sợ hãi và gặp vấn đề tâm lý.

Thực hiện đổi mới giáo dục, các trường tiểu học tăng cường hoạt động ngoại khóa giúp học sinh phát triển toàn diện. Ảnh: Trà Hương
Tại trường đại trà, vì lo lắng trước thềm năm học mới, nhà trường tiến hành khảo sát để sắp xếp lại lớp thì con sẽ bị tụt hạng nên phụ huynh đã biến kỳ nghỉ hè trở thành “học kỳ thứ 3”, buộc con phải học thêm để giữ vững ghế của lớp chọn, lớp đầu cao; thậm chí, có phụ huynh còn nhờ cậy các mối quan hệ để xin cho con vào học các lớp theo ý muốn.
Qua trao đổi với nhiều hiệu trưởng các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh được biết: Cấp tiểu học, các hoạt động giáo dục được tổ chức theo hướng đổi mới, không còn các cuộc thi HGS mà chỉ còn một số sân chơi trí tuệ trên tinh thần tự nguyện nên không có tình trạng xếp lớp chọn.
Cấp THCS, mỗi huyện, thành phố có một trường trọng điểm để bồi dưỡng, đào tạo học sinh năng khiếu; còn các trường đại trà không có lớp chọn nhưng có việc sắp xếp, bố trí các lớp theo địa bàn dân cư, mức độ nhận thức để tạo thuận lợi cho học sinh đi lại và học tập; đồng thời, thuận lợi cho giáo viên trong việc thiết kế chương trình giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Đối với cấp THPT khi định hướng nghề nghiệp rõ ràng, các trường THPT mới có phân ban và để học sinh đăng ký các môn học làm tiền đề cho kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng sau này.
Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc được thành lập với mục tiêu đào tạo học sinh năng khiếu và bồi dưỡng học sinh dự thi HSG quốc gia, quốc tế.
Phó Giám đốc Sở GDĐT Phạm Khương Duy cho biết: “Trường trọng điểm, trường chuyên đào tạo nhân lực chất lượng cao nhưng về cơ bản vẫn là đào tạo phổ thông, vẫn lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ và lấy phát triển con người làm đầu.
Cùng với đó, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được triển khai với định hướng đổi mới giáo dục, giúp học sinh phát triển toàn diện các phẩm chất, năng lực cần thiết.
Vì vậy, dù kỳ vọng nhưng cha mẹ không nên áp lực về trường chuyên, lớp chọn mà đặt lên vai con gánh nặng học tập quá sức; hãy quan tâm lựa chọn môi trường học tập phù hợp với năng lực, nguyện vọng của con; giúp con tự tin tham gia các hoạt động giáo dục để con phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, cảm xúc, tâm hồn.
Môi trường học tập chỉ là một trong những yếu tố để tạo nên một học sinh ưu tú, do đó, các em hãy cố gắng, tự tin trong học tập để lĩnh hội tri thức và cảm nhận hạnh phúc trong học tập; cố gắng phát huy những thế mạnh và đam mê của bản thân để đạt được những mục đích, kế hoạch của đời mình”.